Diện tích: 5.217,7 km2
Dân số: 1.212.877 người
Tỉnh lỵ: Thành phố Nha Trang
Các huyện, thị xã, thành phố: Thành phố Cam Ranh; Thị xã Ninh Hòa; Huyện: Vạn Ninh, Diên Khánh, Khánh Vĩnh, Khánh Sơn, Trường Sa, Cam Lâm
|
Ông Lê Đức Vinh - Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa |
Khánh Hòa là một tỉnh thuộc khu vực Duyên hải Nam Trung Bộ, có vùng biển đảo rộng lớn với hơn 200 hòn đảo lớn, nhỏ. Khánh Hòa có nguồn lao động dồi dào, dân số trung bình khoảng 1.269.388 người (năm 2017), là một trong 10 tỉnh của cả nước có số lượng trí thức lớn. Trên địa bàn tỉnh hiện có 40 đơn vị nghiên cứu khoa học công nghệ, hơn 20.500 cán bộ có trình độ cao đẳng, đại học và trên 200 cán bộ có trình độ trên đại học. Tỷ lệ lao động được đào tạo nghề chiếm trên 25%.
Khánh Hòa có 3 khu vực phát triển kinh tế trọng điểm:
* Phía Nam là vịnh Cam Ranh có vị trí hết sức quan trọng về quốc phòng - an ninh và phát triển kinh tế. Trong đó có Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh phát triển về du lịch; Cảng Quốc tế Cam Ranh và Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh.
Năm 2015, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đã đón hơn 2,7 triệu lượt hành khách, vượt công suất thiết kế so với nhà ga hiện hữu (công suất thiết kế đón 2 triệu lượt khách vào năm 2020). Do đó, tháng 9-2016, Nhà ga hành khách mới Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đã được khởi công xây dựng, dự kiến đến năm 2030, nhà ga mới sẽ đón 8 triệu khách/năm. Theo quy hoạch đã được Chính phủ phê duyệt, đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh có khả năng tiếp nhận các loại máy bay Airbus 320, 321, 300-600, Boeing 767, 777, 747 và tương đương; sử dụng 2 đường cất, hạ cánh. Hiện Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh đã có các tuyến bay quốc quốc tế đến: Nga, Hàn Quốc, Hồng Kông, Quảng Châu, Thành Đô…
Cảng Ba Ngòi đang được đầu tư mở rộng với Dự án Cảng Quốc tế Cam Ranh (đã hoàn thành giai đoạn 1). Trước mắt, Cảng Quốc tế Cam Ranh tập trung khai thác 3 lĩnh vực: Cung ứng dịch vụ hàng hải cho tàu quân sự, tàu du lịch; sửa chữa đầu bến và cung cấp dịch vụ du lịch cho thủy thủ đoàn, du khách. Tháng 9-2016, Cảng đã đón tàu du lịch quốc tế đầu tiên đến tham quan Khánh Hòa. Cảng Quốc tế Cam Ranh sau khi hoàn thành sẽ là một trong các cảng lớn nhất của Việt Nam tính theo chiều dài bến cập tàu, với tải trọng tàu tối đa đến 110.000DWT, có thể tiếp nhận 18 tàu cùng lúc và 185 tàu mỗi năm, là cảng đầu tiên tại Việt Nam thiết kế cho phép neo đậu tàu trong điều kiện gió bão đến cấp 8.
Ngày 20-5-2003, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 101/2003/QĐ-TTG về việc phê duyệt Đề án Quy hoạch tổng thể phát triển khu vực vinh Cam Ranh thời kỳ đến năm 2010, trong đó định hướng phát triển khu vực Bắc bán đảo Cam Ranh là khu du lịch chất lượng cao, dịch vụ vận tải hàng không và các trung tâm thương mại, hội nghị cấp quốc gia và quốc tế. Tại đây sẽ có các khu du lịch đa dạng, khu vực sân bay, các khu dân cư và các không gian đặc thù khác. Ngày 16-1-2004, UBND tỉnh Khánh Hòa ban hành Quyết định số 177/QĐ-UB về việc phê duyệt Quy hoạch chung Khu du lịch Cam Ranh, thị xã Cam Ranh, tỉnh Khánh Hòa. Theo quy hoạch, Khu du lịch có tổng diện tích 4.800 ha, trong đó, giai đoạn 1 phát triển Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh có diện tích 2.150 ha. Đây là khu du lịch biển, khu du lịch nghỉ mát chất lượng cao, trung tâm dịch vụ văn hóa, thương mại, hội thảo, du lịch vùng, quốc gia và quốc tế. Tổng quy mô phòng nghỉ khách sạn khoảng 5.000 – 10.000 phòng, trong đó 80 - 85% số buồng phòng khai thác trong các khu du lịch tập trung và khoảng 15 - 20% là các buồng phòng khai thác kết hợp trong các khu dân cư kết hợp dịch vụ du lịch sinh thái.
Hiện nay, Khu du lịch Bắc bán đảo Cam Ranh có 40 dự án đang được đầu tư xây dựng tại đây. Trong đó có 4 dự án đã đi vào hoạt động hoặc hoạt động trong giai đoạn 1, bao gồm: Khu du lịch nghỉ dưỡng Biển Đông, Khu nghỉ dưỡng Riviera Residences và resort, Fusion Maia Nha Trang resort, Khu du lịch Đỉnh Vàng Cam Ranh.
* Ở giữa là vịnh Nha Trang, được công nhận là một trong những vịnh đẹp nhất thế giới. Với điều kiện thiên nhiên ưu đãi cả về vị trí, cảnh quan, khí hậu, cùng với nền tảng về lịch sử, nhân văn của mình, Nha Trang – Khánh Hòa có khả năng phát triển nhiều loại hình du lịch đa dạng.
Đặc biệt, khu vực này còn có Cảng Nha Trang. Cảng có 4 cầu bến, cầu dài nhất là 215m; có thể tiếp nhận tàu hàng tổng hợp có trọng tải đến 20.000DWT và tàu khách có dung tích đến 60.780GT. Cảng có độ sâu vùng nước neo đậu từ - 8,5 đến -11,8m; tổng diện tích kho bãi của cảng 80.000m2. Theo Quy hoạch chi tiết nhóm cảng biển Nam Trung Bộ đến năm 2020 và định hướng đến năm 2030, Cảng Nha Trang sẽ được quy hoạch, sắp xếp lại bến tàu khách quốc tế, khách nội địa, bến du thuyền và các bến khách chuyên dùng. Từ năm 2016, tỉnh Khánh Hòa xây dựng đề án phát triển hướng đến cảng đầu mối du lịch quốc tế hiện đại, kết thúc hoàn toàn việc vận chuyển hàng hóa qua Cảng Nha Trang; phấn đấu đưa Cảng Nha Trang đón tối thiểu 150.000 khách quốc tế du lịch bằng đường biển và 1 triệu khách nội địa đi tham quan các tuyến biển, đảo. Các năm tiếp theo phấn đấu đạt mức tăng trưởng tối thiểu 20%/năm.
* Phía Bắc là Khu kinh tế Bắc Vân Phong được thành lập theo Quyết định số 92/2006/QĐ-TTg ngày 25-4-2006 của Thủ tướng Chính phủ với tổng diện tích khoảng 150.000 ha (70.000 ha mặt đất và 80.000 ha mặt nước), nằm trên địa bàn huyện Vạn Ninh và thị xã Ninh Hòa, tỉnh Khánh Hòa, thuộc khu vực duyên hải Nam Trung bộ của Việt Nam. Ngày 17-3-2014, Thủ tướng Chính phủ ban hành Quyết định số 380/QĐ-TTg phê duyệt điều chỉnh quy hoạch chung xây dựng Khu kinh tế Vân Phong, tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030 với tính chất: Là Khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực. Trong đó có cảng trung chuyển container quốc tế, công nghiệp lọc hóa dầu, trung chuyển dầu mỏ và sản phẩm dầu mỏ giữ vai trò chủ đạo, kết hợp phát triển kinh tế du lịch, dịch vụ, công nghiệp, nuôi trồng hải sản và các ngành kinh tế khác; Là trung tâm kinh tế của tỉnh Khánh Hòa có vai trò đầu tàu thu hút đầu tư và là động lực phát triển kinh tế cho các vùng lân cận và cho cả nước; Khu kinh tế Vân Phong tập trung chủ yếu tại hai khu vực: Nam Vân Phong (thuộc khu vực thị xã Ninh Hòa) và Bắc Vân Phong (thuộc khu vực huyện Vạn Ninh).
Lợi thế của Khu kinh tế Vân Phong là tuyến đường quốc lộ 1A, đường sắt Bắc - Nam chạy dọc Khu kinh tế; có vị trí địa lý là cửa mở hướng ra Biển Đông đối với vùng Tây Nguyên để phát triển hành lang kinh tế Đông Tây. Vịnh Vân Phong có độ sâu trung bình 20 - 27m, kín gió, nằm gần đường hàng hải quốc tế, có điều kiện thuận lợi để xây dựng cảng trung chuyển quốc tế và phát triển kinh tế biển. Phong cảnh đẹp, hệ sinh thái đa dạng, khí hậu ôn hòa thuận lợi để phát triển du lịch.
Tính đến tháng 12-2016, Khu kinh tế Vân Phong đã thu hút được 143 dự án với tổng mức vốn đăng ký 1,5 tỷ USD, vốn thực hiện là 630 triệu USD, đạt 42% vốn đăng ký (có 27 dự án FDI, vốn đăng ký 533 triệu USD). Một số dự án công nghiệp có quy mô lớn đang hoạt động có hiệu quả ở Khu vực Nam Vân Phong: Nhà máy đóng tàu Hyundai - Vinashin, Tổng kho xăng dầu ngoại quan Vân Phong...
Vị trí địa lý thuận lợi, cơ sở hạ tầng đáp ứng nhu cầu đầu tư
Khánh Hòa nằm trên trục giao thông Bắc Nam, thuận lợi cả về đường bộ, đường sắt, đường thủy và đường hàng không, là cửa ngõ lên Tây Nguyên và là tỉnh có nhiều vịnh, cảng gần tuyến hàng hải quốc tế nhất ở Việt Nam.
Định hướng phát triển giao thông, vận tải Khánh Hòa là tận dụng lợi thế của 3 vịnh Vân Phong, Nha Trang và Cam Ranh nằm trên trục đường hàng hải Quốc tế Nam - Bắc Á, với xu thế vận tải biển bằng phương thức Container để đầu tư xây dựng cảng biển, khai thác hoạt động dịch vụ hàng hải, phát triển công nghiệp tàu thủy... Ðồng thời đầu tư phát triển hệ thống đường giao thông nông thôn để giải quyết tốt nhiệm vụ luân chuyển hàng hoá của vùng ven biển. Đến nay đã có 44/45 xã, phường đã có đường đến trung tâm xã, đã căn bản khắc phục được tình trạng ngập úng trong mùa mưa bão, phục vụ tốt cho dân sinh và an ninh quốc phòng.
Những năm qua, Khánh Hòa đã huy động nhiều nguồn vốn đầu tư trong nước và ngoài nước với chính sách ưu đãi để đầu tư phát triển cơ sở hạ tầng. Tổng vốn đầu tư phát triển toàn xã hội tăng qua các năm và đạt trên 110,5 nghìn tỷ đồng trong 5 năm 2011 – 2015, tăng gấp 2,3 lần so giai đoạn 2005 – 2010. Tỷ lệ huy động vốn đầu tư phát triển toàn xã hội trên GDP bình quân đạt 42,69%. Nguồn vốn ngân sách đã tập trung đầu tư theo 4 chương trình phát triển kinh tế - xã hội, triển khai các công trình trọng điểm nhằm tạo động lực phát triển trong thời gian tới. Huy động vốn đầu tư theo hình thức BT và sử dụng vốn ODA để triển khai các dự án xây dựng hạ tầng có tác dụng lan tỏa, có tính liên kết vùng nhằm đẩy mạnh quá trình đô thị hóa của tỉnh.
Kết quả đầu tư trong những năm qua đã cải thiện đáng kể cơ sở hạ tầng kinh tế và xã hội, làm thay đổi căn bản bộ mặt kinh tế - xã hội đô thị, nông thôn và miền núi của tỉnh, tạo điều kiện để các thành phần kinh tế phát triển sản xuất kinh doanh và cải thiện đời sống của nhân dân. Hàng trăm công trình xây dựng cơ sở hạ tầng trên các lĩnh vực giao thông, công nghiệp, điện, nước, nông nghiệp, thủy lợi, dịch vụ, du lịch, văn hóa, thông tin, giáo dục, y tế, thể thao, chỉnh trang đô thị… được đầu tư xây dựng hoàn thành và đưa vào sử dụng. Mạng lưới cấp điện, cấp nước, giao thông, liên lạc, ngân hàng, tài chính, y tế, dịch vụ công cộng phát triển mạnh đáp ứng cơ bản nhu cầu đầu tư. Nhiều dự án cơ sở hạ tầng trọng điểm, có tầm cỡ và quy mô đầu tư lớn đã hoàn thành đưa vào sử dụng, tạo động lực mạnh mẽ thúc đẩy kinh tế - xã hội phát triển. Hiện nay, tuyến đường từ tỉnh Khánh Hòa lên tỉnh Lâm Đồng với chiều dài 70 km đã cơ bản hoàn thành. Đây là con đường huyết mạch quan trọng để phát triển kinh tế giữa Khánh Hòa với các tỉnh miền Trung và Tây Nguyên.
Đặc biệt, khi Hầm đường bộ qua đèo Cả hoàn thiện xong giai đoạn cuối cùng (dự kiến tháng 7-2017), sẽ mở ra cơ hội phát triển kinh tế cho khu vực Bắc Khánh Hòa, kết nối thuận lợi với Khu kinh tế Vân Phong.
Với vị trí địa lý, điều kiện thiên nhiên ưu đãi, hệ thống giao thông vận tải thuận lợi, dịch vụ phát triển, tài nguyên phong phú, nguồn nhân lực dồi dào; Khánh Hòa đã và đang có các chính sách ưu đãi để thu hút vốn đầu tư vào sản xuất công nghiệp, nhất là công nghiệp công nghệ cao, hướng sản xuất hàng xuất khẩu thay thế hàng nhập khẩu, công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy, hải sản; tài chính, ngân hàng, bưu chính, viễn thông, dịch vụ cao cấp... Khánh Hòa sẽ là nơi đầu tư an toàn và phát triển.
Nhiều năm qua, Khánh Hòa là tỉnh có tốc độ phát triển kinh tế và thu ngân sách cao trong khu vực và cả nước. Khánh Hòa được biết tới không chỉ là địa phương có tiềm năng lớn về du lịch và các ngành kinh tế biển mà cũng là địa phương có tốc độ phát triển về công nghiệp khá. Trong đó, công nghiệp và xây dựng có mức tăng trưởng hợp lý, giữ vị trí chủ lực, góp phần ổn định và phát triển nền kinh tế của tỉnh. Một số sản phẩm chủ lực đóng góp khá lớn vào giá trị sản xuất công nghiệp trên địa bàn tỉnh như: Thực phẩm chế biến, đồ uống, thuốc lá, dệt may, đóng tàu biển.
Một số dự án đầu tư trong lĩnh vực công nghiệp đã đưa vào hoạt động như: Nhà máy Nước giải khát cao cấp Yến sào, Nhà máy sơ chế và tách cọng thuốc lá, Nhà máy Thủy điện Sông Giang 2. Hiện nay, tỉnh đang chuẩn bị thủ tục triển khai xây dựng một số dự án quy mô lớn như: Nhà máy Nhiệt điện than của Tập đoàn Sumitomo, Nhà máy Bia Sài Gòn, cùng một số nhà máy thuộc ngành công nghiệp hỗ trợ công nghiệp đóng tàu… Tiểu thủ công nghiệp và nghề truyền thống được khuyến khích, tạo điều kiện và phát triển thuận lợi, góp phần giải quyết nhiều vấn đề xã hội.
Khu vực dịch vụ - du lịch tiếp tục phát triển, các chỉ tiêu chủ yếu về du lịch hàng năm đều tăng từ 15 – 25%, tổng lượng du khách đến Khánh Hòa giai đoạn 2010 – 2015 gần 15 triệu lượt người, trong đó khách quốc tến hơn 3,5 triệu lượt người, doanh thu du lịch đạt hơn 20.000 tỷ đồng. Riêng năm 2016, doanh thu du lịch đạt 12.998 tỷ đồng, tổng lượt khách lưu trú đạt hơn 4,5 triệu lượt, trong đó khách quốc tế hơn 1,1 triệu lượt. Tổng số cơ sở lưu trú toàn tỉnh hiện nay là 638 cơ sở với 23.693 phòng. Cơ sở kinh doanh du lịch tiếp tục phát triển theo xu hướng đầu tư chiều sâu, quy mô lớn. Các loại hình, sản phẩm du lịch ngày càng đa dạng, nâng cao chất lượng. Nhiều trung tâm thương mại của các nhà bán lẻ hàng đầu trong và ngoài nước như: Metro Cash & Carry, Co-op Mart, Big C, Maximark, Lotte… đi vào hoạt động tại tỉnh, đáp ứng ngày càng tốt hơn nhu cầu mua sắm của nhân dân và du khách. Thị trường xuất khẩu mở rộng đến 105 quốc gia, tăng 20 nước so với năm 2010. Kim ngạch xuất khẩu hàng hóa trên địa bàn tỉnh năm 2016 ước đạt 1.210 triệu USD; kim ngạch nhập khẩu đạt 720 triệu USD.
Thời gian qua, tỉnh Khánh Hòa đã có nhiều chính sách thu hút đầu tư nước ngoài vào tỉnh. Đến nay, đã có 95 dự án có vốn đầu tư nước ngoài được cấp giấp phép đầu tư hoặc giấy chứng nhận đầu tư (trong đó 48 dự án thuộc Ban quản lý Khu kinh tế Vân Phong). Tổng vốn thực hiện lũy kế từ đầu dự án cho đến nay đạt khoảng 633,2 triệu USD.
Hiện nay, trên địa bàn tỉnh có 4 khu công nghiệp và 10 cụm công nghiệp. Trong đó, 1 khu công nghiệp đã hoạt động hiệu quả (Suối Dầu), 2 khu công nghiệp đang triển khai các thủ tục đầu tư (Nam Cam Ranh, Ninh Thủy), 1 khu công nghiệp tạm dừng chưa kêu gọi đầu tư mới vì thuộc phạm vi khu vực nghiên cứu phát triển Đặc khu kinh tế Bắc Vân Phong; 3 cụm công nghiệp đã đi vào hoạt động (Đắc Lộc, Diên Phú, Công nghiệp và Chăn nuôi Khatoco), 2 cụm công nghiệp đang triển khai các thủ tục đầu tư (Sông Cầu, Trảng É), 5 cụm công nghiệp đang kêu gọi đầu tư (Ninh Xuân, Tân Lập, Diên Thọ, Dốc Đá Trắng, Cam Ranh). Tỉnh Khánh Hòa hiện đang tiếp tục đầu tư cơ sở hạ tầng ở các khu công nghiệp, cụm công nghiệp để kêu gọi các doanh nghiệp đầu tư vào các khu vực này, đồng thời đẩy mạnh công tác đào tạo nguồn nhân lực và có các chính sách ưu đãi đầu tư cho từng khu vực.
Khánh Hòa luôn mong muốn và mở rộng cửa chào đón các nhà đầu tư trong và ngoài nước với các chính sách ưu đãi và các điều kiện thuận lợi nhất cho các nhà đầu tư. UBND tỉnh Khánh Hòa sẽ đồng hành cùng các nhà đầu tư, các doanh nghiệp giải quyết những khó khăn, vướng mắc và tạo điều kiện tốt nhất để các doanh nghiệp, nhà đầu tư thành công tại Khánh Hòa./.
Download Brochure mới nhất của Công ty cổ phần Quy hoạch và Thiết kế Xây dựng miền Trung để hiểu rõ hơn về chúng tôi
Tải brochure Hotline: 0258.6502.888-0935.04.2628
Email: quyhoachmientrung@gmail.com