Một góc thành phố Đà Lạt, tỉnh Lâm Đồng. Ảnh: TTXVN
Nhiều ý kiến cho rằng khu vực trung tâm thành phố Đà Lạt cần phải chỉnh trang, xây dựng lại cho khang trang, hiện đại phục vụ người dân tốt hơn, nhưng cũng có ý kiến cho rằng cần bảo tồn những công trình gắn với lịch sử hình thành của phố núi Đà Lạt.
Vừa qua, Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng và UBND thành phố Đà Lạt tổ chức công bố quyết định của Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng phê duyệt quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị tỷ lệ 1/500 khu vực trung tâm Hòa Bình, do Kiến trúc sư Hồ Thiệu Trị đứng tên.
Theo quyết định quy hoạch chi tiết và thiết kế đô thị khu vực trung tâm Hòa Bình có diện tích 30ha, thuộc phường 1 (thành phố Đà Lạt), phạm vi từ đường Trần Quốc Toản, Bùi Thị Xuân, Lý Tự Trọng, hẻm nhà thờ Tin Lành, Nguyễn Văn Trỗi, đến đầu đường Ba Tháng Hai, Nguyễn Chí Thanh, đường dẫn xuống Lê Đại Hành qua vòng xoay đài phun nước (gần cầu Ông Đạo).
Đồ án quy hoạch được chia làm 5 phân khu: Phân khu 1 gồm khu vực chợ Đà Lạt và đường Nguyễn Thị Minh Khai, đường Nguyễn Thị Minh khai sẽ trở thành quảng trường trung tâm. Theo đó, các khách sạn Nice Drem (Hải Sơn cũ), Thanh Bình, TTC (Golf 3 cũ) và thương xá La Tulipe, các ki- ốt đều bị tháo dỡ để tổ chức không gian đi bộ và trồng cây xanh…
Phân khu 2 là Khu trung tâm Hòa Bình có diện tích 3,37ha, sẽ trở thành khu phức hợp đa chức năng với các loại hình dịch vụ và giải trí phục vụ người dân địa phương và du khách. Theo thiết kế, Rạp hát Hòa Bình sẽ được phá bỏ, thay thế bằng 2 cụm kiến trúc cao từ 3 đến 5 tầng, bằng kính để làm khu phức hợp đa chức năng.
Phân khu 3 là khu vực đồi Dinh Tỉnh trưởng cũ, có diện tích 4,43ha, là khu thương mại, dịch vụ cao cấp. Tại đây có cụm khách sạn cao 10 tầng ngay trên đỉnh núi để tạo điểm nhấn; có thêm nhiều tuyến đường giao thông được mở để tiếp cận đồi Dinh.
Tại lễ công bố Quyết định trên, ông Đoàn Văn Việt, Chủ tịch UBND tỉnh Lâm Đồng nhấn mạnh: “Việc công bố quyết định có ý nghĩa rất lớn trong việc quy hoạch, chỉnh trang, thiết kế, đầu tư phát triển khu vực trung tâm của thành phố Đà Lạt. Đây là điểm tụ hội của nhiều sự kiện quan trọng trong chiều dài lịch sử phát triển của thành phố, là điểm đến hàng ngày của người dân và du khách khi bước chân đến Đà Lạt.”
Theo ông Việt, Quyết định trên là tiền đề để đầu tư cải tạo, chỉnh trang và phát triển đô thị Khu trung tâm Hòa Bình thành khu trung tâm phức hợp, gồm: Hạ tầng giao thông công cộng chất lượng cao, xây dựng các công trình kiến trúc đặc trưng, hài hòa cảnh quan khu vực, là điểm đến hấp dẫn của khách tham quan du lịch trong nước và quốc tế.
Anh Nguyễn Xuân Thuần – du khách đến từ quận Cầu Giấy, Hà Nội chia sẻ: “Tôi là du khách đã từng đến Đà Lạt khoảng 10 năm trước, lần này trở lại thấy Đà Lạt đã thay đổi rất nhiều, nhiều nhà cao tầng hơn, thỉnh thoảng có tắc đường cục bộ. Qua xem phối cảnh quy hoạch Đà Lạt trong tương lai tôi thấy sẽ có nhiều kiến trúc đồ sộ được mọc lên ngay giữa trung tâm, nhiều giá trị kiến trúc, lịch sử của Đà Lạt trước đây sẽ không còn.”
Thành phố Đà Lạt nên lưu giữ lại những công trình có giá trị đồng thời phát triển thêm những công trình kiến trúc mới tại những vị trí khác mà vẫn giữ được nét xưa, giá trị lịch sử không bị tác động, anh Thuần nêu quan điểm.
Trong khi đó, nhiếp ảnh gia Nguyễn Văn Thông (sống tại Đà Lạt từ những năm 1939 đến nay, đã có hàng trăm bức ảnh nổi tiếng chụp về phong cảnh Đà Lạt, có những bức ảnh rạp hát Hòa Bình được xem biểu tưởng của Đà Lạt) tỏ ra tiếc nuối khi biết rằng rạp hát Hòa Bình sẽ được tháo dỡ.
“Trong kí ức của tôi, thành phố Đà Lạt là thành phố thanh bình, thơ mộng, nếu phá bỏ hết những cái cũ thì những giá trị ấy chỉ còn dĩ vãng. Khi quy hoạch mới thì thành phố sẽ phát triển theo hướng hiện đại, văn minh. Những nhà kiến trúc và lãnh đạo chắc chắn đã có những cách nhìn mới về sự phát triển hiện đại, tuy nhiên tôi vẫn mong muốn giữ lại một chút gì đó những giá trị riêng của Đà Lạt”.
Ông Phạm Anh Dũng, người dân Đà Lạt cho rằng, sự phát triển là quy luật tất yếu. Tuy nhiên, không nên đánh đổi hết giá trị lịch sử để thay vào đó những công trình xa lạ với người Đà Lạt.
“Tôi cho rằng đã đến lúc chúng ta cần thay đổi, nhưng thay đổi như thế nào thì cũng nên tham khảo ý kiến của người dân, chuyên gia nhiều hơn nữa”, ông Dũng nói.
Theo ông Dũng, nếu đồ án này được thực hiện thì một lần nữa chúng ta lại đi vào sai lầm của 20 năm trước, đó là cho phát triển quá nhiều nhà kính sản xuất nông nghiệp quanh xung thành phố, khiến cho Đà Lạt ngày càng ngột ngạt. Cách đây vài năm người dân rất ngạc nhiên khi công trình Trung tâm hành chính được xây dựng (hiện đang sử dụng tại đường Trần Phú, Đà Lạt). Công trình kiến trúc mới này giống như một cái “nhà kính” được đặt vào giữa trung tâm thành phố.
Theo ông Lê Quang Trung, Giám đốc Sở Xây dựng tỉnh Lâm Đồng, trước khi phê duyệt đề án, địa phương đã tham khảo ý kiến của các chuyên gia, các sở, ban ngành của tỉnh, thành phố và phát ra 810 phiếu khảo sát đối với các hộ dân sinh sống trong khu vực thay đổi của đề án. Phần lớn các ý kiến đều thống nhất với chủ trương thực hiện đề án.
Ông Lê Quang Trung khẳng định, khi triển khai đề án, mật độ xây dựng sẽ ít hơn thực tế hiện nay, cụ thể, rạp hát Hoà Bình sẽ bị dỡ bỏ để xây trung tâm thương mại, dãy nhà phía sau (khu vực bến xe Tùng Nghĩa) cũng giải toả. Khu dân cư bên phải đường Phan Bội Châu (đoạn từ cầu thang chợ Đà Lạt đến khu chợ đồ cũ) cũng được giải toả để làm công viên, đường đi.
Khu vực thương xá La ulipe, khách sạn Hải Sơn, khách sạn Golf 3 (cũ), dãy ki - ốt dẫn vào chợ sẽ phá bỏ để làm công viên hoa, bãi đậu xe ngầm, không gian công cộng dành cho người dân. Riêng chợ Đà Lạt sẽ được chỉnh trang lại và được bảo tồn như cũ.
“Vấn đề nhiều người quan tâm hiện nay là phá bỏ cái gì, giữ cái gì khi thực hiện đề án các chuyên gia đã tính toán. Rạp hát Hoà Bình hiện đã xuống cấp, không mang đậm giá trị kiến trúc, không còn giữ được công năng chính của nó. Riêng toà Dinh Tỉnh trưởng là công trình kiến trúc có giá trị văn hoá, lịch sử sẽ được giữ lại nguyên trạng và được di dời sang một vị trí trên đỉnh đồi để thực hiện tổ hợp khách sạn nghỉ dưỡng cao cấp", ông Trung cho biết.
“Vừa qua, khi tỉnh công bố Quyết định phê duyệt đề án; trong đó có đưa ra mô phỏng toà nhà trung tâm thương mại thay thế rạp Hoà Bình và mô phỏng khách sạn trên đồi Dinh, tuy nhiên đây chỉ là mô phỏng công trình có tỷ lệ xây dựng tương ứng. Sau này khi lựa chọn xây dựng, chúng tôi sẽ thẩm định kỹ lưỡng chi tiết từng công trình”, ông Trung nhấn mạnh.
Về tiến độ thực hiện, theo ông Lê Quang Trung, sau khi công bố đề án, các ngành chức năng của tỉnh Lâm Đồng đang lập phương án đầu tư, các dự án sẽ được đấu thầu công khai để lựa chọn nhà đầu tư phù hợp nhất với địa phương. Để thực hiện dự án, địa phương sẽ thực hiện theo hình thức Hợp đồng xây dựng – chuyển giao (đổi đất lấy hạ tầng).
Sau Lễ công bố trên, các đồ án quy hoạch chi tiết Khu trung tâm Hòa Bình đã được trưng bày công khai tại Nhà thông tin - triển lãm Đà Lạt (sau rạp Hòa Bình), thu hút đông đảo người dân, giới chuyên môn về kiến trúc, những người yêu Đà Lạt đến tham quan. Bản đồ án qui hoạch này đang tạo ra những ý kiến trái chiều trong giới chuyên môn nghiên cứu, quy hoạch, kiến trúc đô thị và sự lo lắng nơi những cư dân trong khu vực bị ảnh hưởng./.
Download Brochure mới nhất của Công ty cổ phần Quy hoạch và Thiết kế Xây dựng miền Trung để hiểu rõ hơn về chúng tôi
Tải brochure Hotline: 0258.6502.888-0935.04.2628
Email: quyhoachmientrung@gmail.com