Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045

L.T.S: Ngày 23-2, Tỉnh ủy Khánh Hòa ban hành Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW ngày 28-1-2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 nhằm tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, Chính quyền và Nhân dân tỉnh Khánh Hòa, đưa Nghị quyết đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của tỉnh Khánh Hòa theo đúng mục tiêu, quan điểm mà Nghị quyết đã đề ra. Khánh Hòa Online xin trân trọng giới thiệu toàn văn Chương trình hành động.
Chương trình hành động thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
 
CHƯƠNG TRÌNH HÀNH ĐỘNG
thực hiện Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 
của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa 
đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045
-----
 
Căn cứ quan điểm, mục tiêu, các nhiệm vụ và giải pháp chủ yếu của Nghị quyết số 09-NQ/TW, ngày 28/01/2022 của Bộ Chính trị về xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 (sau đây viết tắt là Nghị quyết), Ban Chấp hành Đảng bộ tỉnh Khánh Hòa (Khóa XVIII) xây dựng Chương trình hành động triển khai thực hiện như sau:
 
I. MỤC ĐÍCH, YÊU CẦU
 
1. Tạo sự thống nhất cao trong nhận thức và hành động của toàn Đảng bộ, chính quyền và nhân dân tỉnh Khánh Hòa; quyết tâm đưa Nghị quyết đi vào thực tiễn cuộc sống, tạo bước phát triển toàn diện, bứt phá của tỉnh Khánh Hòa theo đúng mục tiêu, quan điểm mà Nghị quyết đã đề ra.
 
2. Chương trình hành động phải cụ thể hóa đầy đủ, toàn diện quan điểm, mục tiêu, chỉ tiêu, nhiệm vụ và xây dựng giải pháp thực hiện có tính khả thi cao để triển khai có hiệu quả Nghị quyết.
 
3. Chương trình hành động phải thể hiện được vai trò lãnh đạo, chỉ đạo của các cấp ủy đảng, chính quyền; xác định các nội dung, nhiệm vụ chủ yếu, gắn với trách nhiệm của các cấp, ngành, địa phương, đơn vị trong thực hiện Nghị quyết.
 
4. Kiên định với mục tiêu đã đề ra, thường xuyên theo dõi, đánh giá, giám sát, kiểm tra kết quả việc tổ chức thực hiện để kịp thời đôn đốc, tháo gỡ, giải quyết khó khăn, vướng mắc. Trong quá trình tổ chức thực hiện Nghị quyết kịp thời bổ sung, cập nhật các chủ trương, chính sách của Trung ương, các nhiệm vụ mới bảo đảm phù hợp với yêu cầu đề ra.
 
 II. CHỈ TIÊU VÀ NHIỆM VỤ, GIẢI PHÁP CHỦ YẾU
 
1. Thống nhất nhận thức, đổi mới tư duy trong xây dựng và phát triển tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương
 
- Các cấp ủy đảng, chính quyền, Mặt trận và các tổ chức chính trị - xã hội triển khai học tập, quán triệt đầy đủ, sâu rộng nội dung của Nghị quyết đến toàn thể cán bộ, đảng viên và nhân dân trong tỉnh, tạo thống nhất cao trong nhận thức về vai trò, vị trí và tầm quan trọng của tỉnh Khánh Hòa trong phát triển kinh tế - xã hội, môi trường, sinh thái, bảo đảm quốc phòng, an ninh, bảo vệ chủ quyền quốc gia về biển, đảo của Tổ quốc. Khơi dậy và phát huy mạnh mẽ truyền thống cách mạng, tinh thần tự lực, tự cường, chủ động, sáng tạo và khát vọng vươn lên của cán bộ, đảng viên, cộng đồng doanh nghiệp và nhân dân trong tỉnh nhằm xây dựng tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương, là đô thị thông minh, bền vững, bản sắc, ngang tầm khu vực Châu Á; là hình mẫu của sự gắn kết giữa phát triển kinh tế - xã hội với bảo đảm quốc phòng, an ninh; là thành phố đáng sống của cả nước, khu vực và thế giới.
 
- Đổi mới mạnh mẽ tư duy phát triển, coi việc xây dựng, phát triển tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vừa là mục tiêu, động lực và giải pháp đối với phát triển kinh tế và bảo đảm quốc phòng, an ninh khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên và cả nước.
 
2. Xây dựng và thực hiện tốt công tác lập quy hoạch và quản lý quy hoạch, nhất là quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050
 
a) Một số quy hoạch quan trọng cần hoàn thành
 
Trong quý II năm 2022, hoàn thành trình Thủ tướng Chính phủ xem xét, phê duyệt 03 quy hoạch quan trọng của tỉnh gồm: Quy hoạch tỉnh Khánh Hòa thời kỳ 2021 - 2030, tầm nhìn đến năm 2050; Điều chỉnh Quy hoạch chung thành phố Nha Trang đến năm 2040; Điều chỉnh Quy hoạch chung xây dựng Khu Kinh tế Vân Phong đến năm 2040, tầm nhìn đến năm 2050. Triển khai việc lập Quy hoạch chung đô thị mới tại huyện Cam Lâm và một phần của thành phố Cam Ranh để sớm trình cấp thẩm quyền phê duyệt.
 
Phấn đấu đến năm 2025: phủ kín quy hoạch phân khu xây dựng, phân khu đô thị trên địa bàn các huyện, thị xã, thành phố. 
 
b) Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
 
- Tập trung thực hiện có chất lượng và bảo đảm tiến độ nhiệm vụ lập các loại quy hoạch, nhất là Quy hoạch tỉnh phải có tầm nhìn dài hạn, bảo đảm hiệu quả tổng thể, phù hợp với quy hoạch tổng thể quốc gia, quy hoạch sử dụng đất và quy hoạch không gian biển quốc gia, quy hoạch khu vực Nam Trung Bộ; có sự kết hợp chặt chẽ, hợp lý giữa bảo tồn và phát triển, giữa hiện đại và truyền thống, giữa thành thị và nông thôn.
 
- Quy hoạch phát triển các vùng kinh tế - xã hội theo hướng: (1) Phát triển đột phá 3 vùng trọng điểm là khu vực vịnh Vân Phong, thành phố Nha Trang, khu vực vịnh Cam Ranh. (2) Phát triển nhanh và bền vững vùng đồng bằng, có vai trò hỗ trợ các vùng trọng điểm. (3) Phát triển nhanh và bền vững vùng có đông đồng bào dân tộc thiểu số và miền núi, gắn với phát huy bản sắc văn hóa, giá trị tài nguyên bản địa, có vai trò bảo đảm an ninh môi trường sinh thái, an ninh nguồn nước, đại đoàn kết các dân tộc.
 
- Nâng cao chất lượng, tính hiệu lực, hiệu quả của các quy hoạch đất đai; gắn kế hoạch sử dụng đất với quy hoạch tỉnh, quy hoạch các khu, cụm công nghiệp… của tỉnh để quản lý đồng bộ, chặt chẽ. Tăng cường công tác kiểm tra, thiết lập hệ thống theo dõi, đánh giá việc thực hiện quy hoạch; phát huy vai trò của người dân, doanh nghiệp, các tổ chức chính trị - xã hội trong giám sát thực hiện quy hoạch, xử lý nghiêm các trường hợp vi phạm pháp luật về quy hoạch.
 
3. Đẩy mạnh chuyển dịch cơ cấu kinh tế gắn với đổi mới mô hình tăng trưởng của tỉnh trên nền tảng của khoa học công nghệ và đổi mới sáng tạo theo hướng đa dạng hóa, gia tăng giá trị và hiệu quả; kinh tế xanh, tuần hoàn
 
a) Một số chỉ tiêu chủ yếu
 
- Giai đoạn 2021 - 2025: Tăng trưởng GRDP đạt mức 7,1%/năm; tăng trưởng năng suất lao động đạt 6,1%/năm. Thu ngân sách hàng năm đạt và vượt dự toán ngân sách Trung ương giao. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 354 nghìn tỷ đồng. Đến năm 2025, GRDP bình quân đầu người đạt 104 triệu đồng/người.
 
- Giai đoạn 2026 - 2030: Tăng trưởng GRDP đạt mức 8,8%/năm; tăng trưởng năng suất lao động đạt 7,8%/năm. Thu ngân sách hàng năm đạt và vượt dự toán ngân sách Trung ương giao, từng bước tăng dần tỷ lệ điều tiết về ngân sách Trung ương. Tổng huy động vốn đầu tư toàn xã hội đạt 664 nghìn tỷ đồng.
 
b) Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu:
 
Đẩy nhanh quá trình cơ cấu lại, chuyển dịch cơ cấu kinh tế và đổi mới mô hình tăng trưởng, tăng năng suất lao động, nâng cao sức cạnh tranh các ngành thế mạnh, tiềm năng; lựa chọn khoa học và công nghệ hiện đại là động lực tăng trưởng và dẫn dắt quá trình tái cơ cấu kinh tế. Chuyển dịch cơ cấu kinh tế theo hướng phát triển kinh tế biển là nền tảng, công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao, dịch vụ logistics, công nghiệp năng lượng, kinh tế số là đột phá; du lịch là ngành kinh tế mũi nhọn. Chuyển từ mô hình tăng trưởng kinh tế phụ thuộc quá lớn vào dịch vụ sang mô hình tăng trưởng kinh tế theo hướng đa dạng hóa, cân đối giữa các lĩnh vực, gia tăng giá trị và hiệu quả, lấy đổi mới sáng tạo và khoa học và công nghệ, kinh tế xanh, tuần hoàn làm chủ đạo.
 
(1) Về phát triển công nghiệp
 
- Phát triển ngành công nghiệp theo hướng hài hòa cả chiều rộng và chiều sâu, ưu tiên phát triển theo chiều sâu, từng bước tham gia vào chuỗi cung ứng toàn cầu; mở rộng quy mô sản xuất các ngành công nghiệp có thế mạnh như: đóng tàu, chế biến thủy sản, chế biến các sản phẩm từ yến sào, cơ khí.... Phát triển công nghiệp chế biến nông, lâm, thủy sản chất lượng cao, đa dạng hóa sản phẩm phục vụ xuất khẩu, đáp ứng các tiêu chuẩn quốc tế. Ưu tiên phát triển năng lượng tái tạo, năng lượng sạch; gắn với việc khai thác hợp lý, hiệu quả tiềm năng về tài nguyên, khoáng sản biển; công nghiệp vật liệu mới, cơ khí chế tạo chính xác; công nghiệp công nghệ sinh học, nghiên cứu phát triển ngành sản xuất vắc xin, dược liệu biển.
 
- Nghiên cứu xây dựng, đề xuất ban hành cơ chế, chính sách đặc thù, cụ thể hóa các tiêu chí để thu hút các nhà đầu tư chiến lược và khuyến khích đầu tư vào một số ngành công nghiệp mới, công nghệ cao, công nghiệp xanh, công nghiệp tuần hoàn, công nghiệp an ninh quốc phòng, trọng tâm là công nghiệp năng lượng thân thiện môi trường, công nghiệp hỗ trợ và công nghiệp chế biến, chế tạo công nghệ cao. Bảo vệ môi trường tại các khu vực sản xuất công nghiệp; phát triển nguồn lao động kỹ thuật chất lượng cao, đạt tiêu chuẩn quốc tế phục vụ các ngành, lĩnh vực ưu tiên phát triển của tỉnh. 
 
- Nâng cao hiệu quả phát triển các khu kinh tế, khu công nghiệp, trong đó: Khu kinh tế Vân Phong tập trung thu hút các dự án xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, các dự án công nghiệp trọng điểm như: năng lượng, đóng tàu, cảng biển, công nghiệp chế biến, chế tạo, công nghệ cao, các ngành công nghiệp phụ trợ. Khu vực thành phố Nha Trang và vùng phụ cận tập trung phát triển các ngành công nghiệp kỹ thuật cao như điện tử, tin học, công nghệ vật liệu mới; di dời các cơ sở gây ô nhiễm môi trường. Khu vực vịnh Cam Ranh tập trung phát triển cảng biển, công nghiệp chế biến, chế tạo, năng lượng điện mặt trời, dịch vụ hậu cần nghề cá, chế biến thủy sản, nông sản thực phẩm, sản xuất vật liệu xây dựng…
 
Tập trung hoàn chỉnh kết cấu hạ tầng các khu, cụm công nghiệp như: khu công nghiệp Ninh Thuỷ, Dốc Đá Trắng, Vạn Thắng, Nam Cam Ranh...; cụm công nghiệp Sông Cầu, Diên Thọ, Trảng É, Ninh Xuân, Tân Lập... Thành lập các cụm công nghiệp theo quy hoạch được duyệt. Nghiên cứu, rà soát, bổ sung quy hoạch một số khu công nghiệp mới, ưu tiên phát triển các khu công nghiệp sinh thái, khu công nghiệp chuyên sâu. Đẩy mạnh xúc tiến đầu tư nhằm kêu gọi các nhà đầu tư xây dựng và kinh doanh hạ tầng khu công nghiệp, nhà đầu tư thứ cấp vào lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp trên địa bàn tỉnh và các khu chức năng phát triển công nghiệp trong Khu kinh tế Vân Phong. Phấn đấu tỷ lệ lấp đầy các khu công nghiệp, cụm công nghiệp được đầu tư hạ tầng lên 70%.
 
(2) Về phát triển ngành nông nghiệp
 
- Phát triển ngành nông nghiệp của tỉnh theo hướng chuyển từ sản xuất công nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, tăng cường ứng dụng công nghệ cao, công nghệ số gắn với chế biến, tiêu thụ theo chuỗi giá trị, nâng cao chất lượng, hiệu quả, sức cạnh tranh và chủ động hội nhập quốc tế. Cơ cấu lại ngành nông, lâm, thủy sản liên kết theo chuỗi, gắn với công nghiệp chế biến, bảo đảm bền vững và hiệu quả cao. Phát triển chăn nuôi gia súc, gia cầm quy mô trang trại; hình thành các vùng trọng điểm, chuyên canh sản xuất rau màu, cây ăn trái; hoàn thiện quy hoạch vùng nuôi trồng thủy sản, chuyển đổi từ nuôi lồng bè truyền thống sang nuôi công nghệ cao và nuôi công nghiệp vùng biển xa bờ; đảm bảo an toàn dịch bệnh cây trồng, vật nuôi; tăng cường ứng dụng khoa học - công nghệ, sản xuất nông nghiệp sạch, nông nghiệp hữu cơ. 
 
- Nâng cao chất lượng nguồn nhân lực khoa học, kỹ thuật ngành nông nghiệp; tăng cường đào tạo nghề cho lao động nông nghiệp, nông thôn; đào tạo, phát triển đội ngũ chuyên gia, cán bộ kỹ thuật. Đẩy mạnh xã hội hóa công tác ứng dụng khoa học - công nghệ vào sản xuất, bảo quản, chế biến và lưu thông lương thực, thực phẩm. Xây dựng, hoàn thiện và áp dụng hệ thống quy chuẩn, tiêu chuẩn chất lượng; đẩy mạnh đăng ký và bảo hộ nhãn hiệu sản phẩm, chỉ dẫn địa lý. Xây dựng cơ chế, chính sách nhằm huy động tốt mọi nguồn lực đầu tư hỗ trợ phát nông nghiệp và dịch vụ nông thôn. 
 
- Thực hiện hiệu quả Kế hoạch triển khai Chiến lược phát triển thủy sản Việt Nam đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2045 trên địa bàn tỉnh Khánh Hòa. Tập trung đầu tư xây dựng hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản, tiếp tục thực hiện hiệu quả chính sách hỗ trợ ngư dân hiện đại hóa phương tiện đánh bắt xa bờ gắn với bảo vệ chủ quyền biển đảo. Hoàn thành đầu tư phát triển trung tâm nghề cá lớn. 
 
(3) Về phát triển dịch vụ, du lịch
 
- Phát triển ngành dịch vụ theo hướng đa dạng, có hàm lượng tri thức và công nghệ cao, là điểm tựa vững chắc cho sản xuất, trong đó chú trọng phát triển dịch vụ logistics, kinh tế số theo hướng đổi mới sáng tạo và số hóa, công nghệ hóa phương thức kinh doanh. Phát triển mạnh khu vực dịch vụ, tiếp cận với trình độ hiện đại, đảm bảo hội nhập quốc tế và khu vực. 
 
Hình thành các trung tâm thương mại tầm cỡ quốc gia, quốc tế và các tuyến phố thương mại, tài chính. Đầu tư, xây dựng hệ thống kho vận, hệ thống logistics, trong đó đẩy nhanh tiến độ đầu tư mở rộng và khai thác có hiệu quả Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh, cảng hàng hóa, cảng tổng hợp, cảng du lịch chuyên dụng... Nâng cao kiến thức về hội nhập kinh tế quốc tế và các biện pháp phòng vệ thương mại cho cán bộ, công chức của các sở, ban, ngành, địa phương và các doanh nghiệp trên địa bàn tỉnh. Hỗ trợ các doanh nghiệp tham gia các Chương trình xúc tiến thương mại ở nước ngoài để tìm kiếm thị trường, khách hàng, giới thiệu quảng bá sản phẩm. Chú trọng phát triển hạ tầng thương mại, cửa hàng tiện lợi tại những khu vực nông thôn, vùng sâu, vùng xa và hải đảo. Đổi mới công tác quản lý, điều hành tiến tới xây dựng chính quyền số, phát triển kinh tế số, xã hội số; thực hiện chuyển đổi số đồng bộ, toàn diện trên phạm vi toàn tỉnh, xây dựng tỉnh Khánh Hòa thành đô thị thông minh nằm trong nhóm 20 tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương đứng đầu về chuyển đổi số. Đẩy mạnh phát triển thanh toán không dùng tiền mặt, hoàn thiện và nâng cấp hạ tầng thanh toán quốc gia, tạo cơ sở để triển khai các sản phẩm, dịch vụ thanh toán mới.
 
- Phát triển du lịch trở thành ngành kinh tế mũi nhọn, chú trọng các sản phẩm du lịch đẳng cấp, chất lượng cao, đa dạng, có sức cạnh tranh, mang đậm bản sắc văn hoá dân tộc gắn với du lịch biển, đảo, du lịch núi rừng, sinh thái cộng đồng, du lịch di sản văn hóa, tâm linh và du lịch chăm sóc sức khỏe. Có giải pháp hiệu quả nhằm phục hồi, tái cơ cấu du lịch sau đại dịch COVID-19 để thu hút nguồn khách trong nước và quốc tế, đa dạng các thị trường khách, đặc biệt là khách quốc tế có chất lượng cao, hướng đến sự phát triển bền vững.
 
Đẩy mạnh ứng dụng công nghệ thông tin trong hoạt động du lịch, dựa trên nền tảng kinh tế số để đột phá về phương thức quản lý, điều hành hoạt động du lịch. Hình thành các tuyến du lịch liên vùng, cả nước thu hút khách du lịch từ các thị trường khách lớn như: thành phố Hồ Chí Minh, thành phố Hà Nội và các tỉnh lân cận, tạo nên các sản phẩm du lịch độc đáo, đặc sắc phục vụ khách du lịch. Đưa thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa trở thành điểm đến hàng đầu trên bản đồ du lịch quốc tế. Phấn đấu đến năm 2025: Số lượng khách du lịch đạt 11.000.000 lượt khách, trong đó: khách du lịch quốc tế khoảng 5.000.000 lượt khách và khách du lịch nội địa khoảng 6.000.000 lượt khách. Đến 2030: Số lượng khách du lịch đạt 15.400.000 lượt khách, trong đó: khách du lịch quốc tế khoảng 8.050.000 lượt khách và khách du lịch nội địa khoảng 7.350.000 lượt khách.
 
(4) Phát triển kinh tế biển
 
- Tập trung phát triển mạnh kinh tế biển kết hợp với bảo đảm quốc phòng - an ninh trên biển, nhất là đánh bắt và nuôi trồng hải sản xa bờ; đầu tư phát triển các cảng biển và dịch vụ cảng biển, hạ tầng và các trung tâm dịch vụ hậu cần nghề cá. Đẩy mạnh ứng dụng khoa học - kỹ thuật, công nghệ số trong đánh bắt, nuôi trồng, chế biến thủy sản; nâng cao ý thức chấp hành pháp luật về biển của ngư dân trong quá trình khai thác thủy sản trên các vùng biển. 
 
- Nâng cao hiệu quả khai thác tài nguyên biển và kiểm soát tài nguyên biển; phát triển toàn diện kinh tế biển, đảm bảo có trọng tâm, trọng điểm theo hướng: (i) Dịch vụ, du lịch biển chất lượng cao; (ii) Công nghiệp, khu kinh tế gắn với phát triển các khu đô thị ven biển; năng lượng tái tạo và các ngành kinh tế biển mới (iii) Nuôi trồng, khai thác, chế biến hải sản nhất là nuôi biển công nghệ cao, thân thiện với môi trường (iv) Dịch vụ hậu cần và hạ tầng nghề cá, cảng biển, vận tải biển - hàng không; (v) Kinh tế biển - đảo; (vi) Hình thành Trung tâm nghiên cứu quốc gia về công nghệ đại dương.
 
- Xây dựng Đề án nuôi biển công nghệ cao tại Khánh Hòa và đề xuất cơ chế, chính sách khuyến khích, hỗ trợ doanh nghiệp và người dân đầu tư trên lĩnh vực nuôi biển công nghệ cao.
 
- Xây dựng đề xuất cơ chế, chính sách đặc thù, phù hợp để khai thác tối đa tiềm năng, thế mạnh của Khu kinh tế Vân Phong để xây dựng thành khu kinh tế tổng hợp đa ngành, đa lĩnh vực, phát triển thành vùng kinh tế trọng điểm, động lực của tỉnh, khu vực Nam Trung Bộ, Tây Nguyên và cả nước. Phát triển Khu kinh tế Vân Phong theo hướng: (i) Khu vực Bắc Vân Phong trở thành đô thị du lịch biển đẳng cấp quốc tế, trung tâm kinh tế biển hiện đại, cảng nước sâu gắn với khu phi thuế quan, công nghiệp công nghệ cao...; (ii) Khu vực Nam Vân Phong là đô thị công nghiệp hiện đại, trung tâm công nghiệp gắn với cảng biển, là khu vực tập trung phát triển các ngành công nghiệp năng lượng, đóng tàu, cảng biển, dịch vụ logistics, dịch vụ vận tải biển và các ngành công nghiệp phụ trợ… cùng với các dự án khu đô thị, dịch vụ du lịch ven biển.
 
4. Đầu tư phát triển kết cấu hạ tầng kinh tế - xã hội, nhất là hệ thống giao thông vận tải đồng bộ, hiện đại; hạ tầng công nghệ thông tin, hạ tầng số làm cơ sở để Khánh Hòa phát huy vai trò là trung tâm kinh tế biển, cửa ngõ chính ra Biển Đông, có vai trò trung tâm kết nối vùng Tây Nguyên với duyên hải Nam Trung Bộ với các vùng, miền trong cả nước và quốc tế
 
a) Một số công trình trọng điểm
 
Hoàn thành và đưa vào khai thác: Tuyến cao tốc Bắc - Nam phía Đông qua địa bàn tỉnh Khánh Hòa; Tuyến cao tốc Khánh Hòa - Buôn Ma Thuột. Đầu tư  tuyến đường bộ ven biển từ Bãi Chùa đến ranh giới tỉnh Ninh Thuận; tuyến cao tốc Nha Trang - Liên Khương; tuyến đường bộ Khánh Sơn - Ninh Thuận; đường sắt tốc độ cao đoạn Thành phố Hồ Chí Minh - Nha Trang. Đầu tư mở rộng Cảng hàng không quốc tế Cam Ranh; sân bay chuyên dùng (sân bay dành cho trực thăng, thủy phi cơ) tại Khu kinh tế Vân Phong. Phát triển hệ thống cảng khách thủy nội địa; phát triển cảng biển loại I thành cảng biển có quy mô lớn. Đầu tư đồng bộ, hoàn chỉnh các công trình hạ tầng thiết yếu trong Khu kinh tế Vân Phong và các công trình hạ tầng thiết yếu khác, dự án Hồ chứa nước Đồng Điền, huyện Vạn Ninh. Hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án trọng điểm: Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang, Tỉnh lộ 3, Nút giao thông Ngọc Hội - 23/10, đường Vành đai 2; sớm triển khai Dự án Phát triển tích hợp thích ứng - Tiểu dự án tỉnh Khánh Hòa.
 
b) Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
 
- Đẩy mạnh phát triển kết cấu hạ tầng giao thông tỉnh Khánh Hòa, tạo thành mạng lưới hoàn chỉnh, đồng bộ, hiện đại, đảm bảo thông suốt, trong đó ưu tiên tập trung phát triển hệ thống giao thông đối ngoại để kết nối với với các địa phương lân cận, các trung tâm kinh tế lớn, đáp ứng năng lực vận tải hành khách, hàng hóa phục vụ cho nhu cầu phát triển và các tiêu chí đối với đô thị loại I trực thuộc Trung ương. 
 
- Chủ động phối hợp với các Bộ, ngành Trung ương đẩy nhanh tiến độ thực hiện, sớm hoàn thành và đưa vào khai thác các dự án trọng điểm quốc gia; xây dựng cơ chế khuyến khích và thu hút mạnh mẽ nguồn vốn ngoài ngân sách nhà nước cho đầu tư phát triển hệ thống kết cấu hạ tầng, trong đó có dự án theo hình thức đối tác công tư. 
 
- Đầu tư hoàn chỉnh các công trình hạ tầng thiết yếu phục vụ hoạt động trong Khu kinh tế Vân Phong như: hệ thống đường giao thông trục chính; khu tổng hợp Đầm Môn, hồ chứa nước Đồng Điền, cấp nước, xử lý môi trường... Đầu tư mới, nâng cấp, cải tạo các công trình thủy lợi đầu mối, phát triển thủy sản như: hồ chứa nước và hệ thống dẫn nước Sông Chò 1, hồ chứa nước Sông Cạn, hồ chứa nước Sông Búng, hồ chứa nước Đá Bàn...; dịch vụ hậu cần nghề cá, cảng cá động lực thuộc Trung tâm nghề cá lớn, hạ tầng vùng nuôi trồng thủy sản tại các vùng nuôi theo quy hoạch. 
 
- Nâng cấp, mở rộng các hệ thống cấp nước tập trung quy mô lớn; hệ thống đê sông, đê biển, các công trình chống thiên tai và biến đổi khí hậu. Đẩy nhanh tiến độ công tác giải phóng mặt bằng, thi công hoàn thành và đưa vào khai thác Dự án Đập ngăn mặn trên sông Cái Nha Trang; hoàn chỉnh các thủ tục và công tác chuẩn bị theo quy định để triển khai thực hiện Dự án Phát triển tích hợp thích ứng - Tiểu dự án tỉnh Khánh Hòa nhằm hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật (thoát nước, giao thông, xử lý nước thải, chất thải,…) của thành phố Nha Trang và thành phố Cam Ranh.
 
- Quan tâm ưu tiên đầu tư cơ sở hạ tầng hợp lý, đồng bộ và đề xuất các cơ chế, chính sách đặc thù phù hợp cho 2 huyện miền núi Khánh Sơn, Khánh Vĩnh và các xã vùng sâu, vùng xa, khó khăn để tạo động lực phát triển toàn diện và bền vững hơn.
 
- Phát triển hạ tầng số, đẩy mạnh chuyển đổi số một số ngành như: du lịch, y tế, giáo dục, nông nghiệp, giao thông vận tải, tài nguyên và môi trường. Có cơ chế, chính sách thu hút đầu tư khu công nghệ cao; cơ sở hạ tầng trung tâm ứng dụng khoa học và công nghệ.
 
5. Tăng cường hợp tác, liên kết với các tỉnh trong khu vực Nam Trung bộ, Tây Nguyên, các tỉnh, thành phố khác trong cả nước và quốc tế
 
- Phối hợp với các tỉnh thuộc duyên hải miền Trung và Tây Nguyên trong xây dựng Quy hoạch vùng thời kỳ 2021 - 2030 theo hướng tích hợp, đa ngành, hình thành chuỗi giá trị và triển khai thực hiện hiệu quả, lấy quy hoạch làm cơ sở quản lý phát triển vùng, xác định đúng tiềm năng, thế mạnh của từng tỉnh và nhận diện các cơ hội cho hợp tác giữa các địa phương. Tăng cường hợp tác với các địa phương để hoàn thiện thể chế về quy hoạch, kế hoạch phát triển vùng đủ mạnh và bố trí nguồn lực nhằm phát huy lợi thế vùng; liên kết phát triển hệ thống đô thị ven biển, các trung tâm du lịch biển, du lịch sinh thái mang tầm khu vực và quốc tế. Đề xuất với Trung ương các cơ chế chính sách liên kết phát triển kinh tế vùng và công trình hỗ trợ hạ tầng kết nối liên vùng; xây dựng và quảng bá thương hiệu du lịch biển khu vực miền Trung. 
 
- Phối hợp chặt chẽ với các tỉnh, thành phố khu vực Nam Trung bộ và Tây Nguyên để xây dựng các tuyến du lịch kết nối liên tỉnh; tăng cường hợp tác với tỉnh Phú Yên trong phát triển khu vực Nam Phú Yên - Bắc Khánh Hòa, hợp tác phát triển giữa Khu Kinh tế Nam Phú Yên và Khu Kinh tế Vân Phong, kết nối sân bay Tuy Hòa với Khu Kinh tế Vân Phong; hợp tác với tỉnh Đắk Lắk để phát huy tối đa hiệu quả tuyến cao tốc Buôn Ma Thuột - Khánh Hòa trong phát triển du lịch, giao thương, sản xuất và xuất khẩu hàng nông sản… Tiếp tục phối hợp chặt chẽ với TP. Hồ Chí Minh nhằm quảng bá thương hiệu du lịch Nha Trang - Khánh Hòa; xúc tiến đầu tư; xúc tiến thương mại các sản phẩm của Khánh Hòa. Tăng cường trao đổi, học tập kinh nghiệm của các địa phương có mô hình thành công trong hợp tác công tư, du lịch cộng đồng, phát triển vùng miền núi… Đẩy mạnh hợp tác với các cơ sở đào tạo, nghiên cứu khoa học và các bệnh viện lớn; hợp tác với các doanh nghiệp lớn hàng đầu về công nghệ để đẩy mạnh chuyển đổi số, ứng dụng công nghệ thông tin của tỉnh.
 
- Tích cực, chủ động mở rộng, nâng tầm quan hệ của tỉnh và các địa phương thuộc tỉnh với các địa phương khác, đối tác nước ngoài trên cơ sở phát huy tối đa nội lực, tiềm năng, lợi thế của tỉnh gắn với giữ gìn, phát huy bản sắc văn hóa dân tộc, bản sắc riêng của tỉnh Khánh Hòa.
 
- Đẩy mạnh và nâng tầm công tác ngoại giao kinh tế phục vụ phát triển. Tích cực đăng cai các sự kiện, hội nghị, hội thảo, diễn đàn quốc tế tại tỉnh; tổ chức các hoạt động giao lưu văn hóa quảng bá hình ảnh Khánh Hòa tới bạn bè quốc tế. Tăng cường lồng ghép nội dung thúc đẩy hợp tác kinh tế, vận động và thu hút các nguồn vốn đầu tư, viện trợ phát triển chính thức, vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài và các nguồn đầu tư khác để phát triển tỉnh. Tăng cường quảng bá sản phẩm, thế mạnh của Khánh Hòa tại các triển lãm quốc tế và các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.
 
6. Thu hút và sử dụng hiệu quả các nguồn lực trên cơ sở đẩy mạnh cải cách hành chính; cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; xây dựng cơ chế, chính sách đầu tư, tài chính và phân cấp quản lý đặc thù, phù hợp
 
- Thực hiện hiệu quả và đồng bộ các giải pháp để tiếp tục cải thiện chỉ số năng lực cạnh tranh cấp tỉnh (PCI). Đẩy mạnh cải cách hành chính, đơn giản hóa nội dung hồ sơ, thủ tục và thực hiện kết nối điện tử liên thông trong giải quyết thủ tục hành chính. Tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong giải quyết thủ tục hành chính. Đầu tư nâng cấp và nâng cao hơn nữa hiệu quả hoạt động của Trung tâm Dịch vụ hành chính công trực tuyến của tỉnh. Công khai, minh bạch toàn bộ các quy định, chính sách, quy trình thủ tục, hồ sơ. Mở rộng các hình thức hỗ trợ, tư vấn cho doanh nghiệp, người dân, bảo đảm hoàn thành  thủ tục hành chính theo đúng quy định của pháp luật với chi phí tuân thủ pháp luật thấp nhất.  
 
- Tranh thủ, sử dụng hiệu quả nguồn lực hỗ trợ từ ngân sách Trung ương theo định hướng “lấy đầu tư công dẫn dắt đầu tư tư”, phát huy cao độ nội lực, gắn việc khai thác các tiềm năng, lợi thế với việc thu hút các nguồn lực đầu tư trong nước và nước ngoài, tạo nguồn lực tổng hợp để phát triển. Thực hiện việc phân bổ vốn ngân sách nhà nước theo phân cấp nhiệm vụ chi, định mức phân bổ vốn đầu tư các cấp ngân sách, huy động và sử dụng các nguồn vốn đầu tư công trung hạn và hàng năm. Phân định rõ trách nhiệm của người quyết định chủ trương đầu tư, quyết định đầu tư dự án, khắc phục tình trạng thất thoát, lãng phí trong đầu tư công. 
 
- Đề xuất xây dựng cơ chế chính sách đầu tư, tài chính, ngân sách và phân cấp quản lý đặc thù cho tỉnh Khánh Hòa nhằm huy động tối đa và sử dụng có hiệu quả các nguồn lực, nhất là của khu vực kinh tế tư nhân để thực hiện nhiệm vụ phát triển kinh tế - xã hội, tạo sự đột phá cho tỉnh phát triển nhanh và bền vững. Nâng cao chất lượng và hiệu quả của chương trình, dự án đầu tư công, bảo đảm bố trí vốn tập trung cho các mục tiêu, dự án ưu tiên cần thiết phải đầu tư, khắc phục tình trạng phê duyệt quá nhiều dự án mà không cân đối được nguồn vốn để thực hiện.
 
- Rà soát, đề xuất sửa đổi, bổ sung các cơ chế, chính sách đã ban hành; đề xuất xây dựng các cơ chế, chính sách mới, tạo sức hấp dẫn để đẩy mạnh thu hút đầu tư, khuyến khích xã hội hóa các lĩnh vực văn hoá, xã hội.
 
- Đa dạng hóa phương pháp xúc tiến đầu tư, quan tâm lắng nghe, kịp thời tháo gỡ khó khăn vướng mắc cho nhà đầu tư và doanh nghiệp. Ưu tiên thu hút đầu tư từ các Tập đoàn công nghệ đứng đầu các chuỗi giá trị, sản xuất; các đối tác có công nghệ cao, công nghệ mới như: Hoa Kỳ, Nhật Bản, Hàn Quốc, Đài Loan (Trung Quốc), Châu Âu... Thu hút các nguồn vốn ODA và vốn FDI vào xây dựng hạ tầng lớn, trọng điểm mang tính đột phá cho phát triển kinh tế - xã hội của tỉnh. 
 
7. Phát triển đô thị theo định hướng thông minh, bền vững, bản sắc và kết nối quốc tế 
 
a) Một số chỉ tiêu chủ yếu
 
- Đến năm 2025: Tỷ lệ đô thị hóa đạt 65%; quy mô dân số đạt 1.276 nghìn người trong đó quy mô dân số khu vực nội thành đạt 638 nghìn người; mật độ dân số khu vực nội thành tính trên diện tích đất xây dựng đô thị là 11.000 người/km² đất xây dựng đô thị; diện tích sàn nhà ở đô thị bình quân đạt 26,5 m2/người. Tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đô thị đạt 16%; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật đạt 40%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt 77,97%, trong đó khu vực nội thành đạt 85,5%.
 
- Đến năm 2030: Tỷ lệ đô thị hóa đạt 70%; quy mô dân số đạt 1.314 nghìn người trong đó quy mô dân số khu vực nội thành đạt 723 nghìn người; mật độ dân số khu vực nội thành tính trên diện tích đất xây dựng đô thị là 12.000 người/km² đất xây dựng đô thị; diện tích sàn nhà ở đô thị bình quân đạt 26,5 m2/người; diện tích sàn nhà ở trung bình toàn tỉnh sẽ đạt khoảng 28,4 m2 sàn/người. Tỷ lệ đất giao thông so với đất xây dựng đô thị đạt 20%; tỷ lệ nước thải đô thị được xử lý đạt quy chuẩn kỹ thuật đạt 50%; tỷ lệ lao động phi nông nghiệp toàn đô thị đạt 81,91%, trong đó khu vực nội thành đạt 87%. Xây dựng chính quyền đô thị với bộ máy tinh gọn, hoạt động hiệu lực, hiệu quả.
 
b) Nhiệm vụ, giải pháp chủ yếu
 
- Triển khai thực hiện đồng bộ, hiệu quả quy hoạch vùng, quy hoạch chung xây dựng, quy hoạch phân khu đô thị và Chương trình phát triển đô thị tỉnh Khánh Hòa đến năm 2030, tầm nhìn đến năm 2050. Phát triển hệ thống đô thị ven biển là động lực tăng trưởng chủ yếu, trong đó xây dựng thành phố Nha Trang là đô thị hạt nhân; thành phố Cam Ranh là đô thị du lịch - logistics; huyện Cam Lâm trở thành thành phố sân bay hiện đại, sinh thái, đẳng cấp quốc tế; huyện Vạn Ninh trở thành đô thị du lịch biển cao cấp; thị xã Ninh Hòa là đô thị công nghiệp; huyện Diên Khánh là đô thị sinh thái, văn hóa truyền thống; huyện Khánh Sơn và Khánh Vĩnh là các tiểu đô thị sinh thái núi rừng; huyện Trường Sa là trung tâm kinh tế, văn hóa, xã hội trên biển của cả nước.
 
- Phát triển đô thị gắn với phát triển cơ sở hạ tầng xã hội, thúc đẩy quá trình đô thị hóa, tạo nhiều việc làm, sinh kế, nâng cao mức sống người dân, tăng thu cho ngân sách địa phương. Xây dựng cơ chế, chính sách đặc thù về đầu tư, phân cấp quản lý, rút ngắn thủ tục hành chính để nhanh chóng huy động mọi nguồn lực nâng cấp các đô thị hiện có, phát triển các chuỗi đô thị mới, nhất là đối với dự án đô thị sân bay đẳng cấp quốc tế ở Cam Lâm. Chú trọng xây dựng những khu đô thị phức hợp quy mô lớn, tiện ích đồng bộ, môi trường sống xanh, áp dụng các giải pháp thông minh, tối ưu hóa sử dụng năng lượng để cắt giảm khí thải CO2, góp phần xây dựng xã hội bền vững. Tiếp tục điều chỉnh phân bố không gian đô thị hợp lý, gắn với phát huy tiềm năng thế mạnh của từng vùng, miền, địa phương. Chú trọng công tác quản lý đô thị, tổ chức không gian đô thị theo hướng bền vững, hài hòa với thiên nhiên, giữ gìn môi trường xanh, sạch, thích ứng với biến đổi khí hậu và nước biển dâng, đáp ứng tiêu chuẩn đô thị hiện đại; bảo tồn và phát huy bản sắc đô thị biển - sông - núi; giữ gìn bản sắc cộng đồng thân thiện, cởi mở, hiền hòa; phát huy thương hiệu điểm đến du lịch quốc tế, dịch vụ đa dạng và lợi thế thuận lợi kết nối quốc tế để phấn đấu trở thành thành phố quốc tế, gắn với phát triển bất động sản nghỉ dưỡng cao cấp, trở thành “ngôi nhà thứ hai” của các doanh nghiệp, người dân, du khách trong nước và quốc tế.
 
- Đầu tư, xây dựng các khu đô thị hiện có, nâng cao hệ số sử dụng đất, bổ sung các tiện ích đô thị, công trình văn hóa, công viên, thể thao… gắn với định hướng trở thành thành phố trực thuộc Trung ương. Mở rộng không gian hành lang ven biển, kết nối đô thị thành tổng thể chung, ưu tiên phát triển công trình, dịch vụ công cộng. Phát triển các đô thị mới theo hướng có chức năng chuyên biệt, tăng cường, bổ sung không gian xanh, phát triển dịch vụ du lịch hài hòa hình thái không gian cảnh quan, địa hình. Bảo tồn và phát huy đa dạng sinh học, không gian biển, phát triển hệ thống công viên, cây xanh, mặt nước nhằm tạo lập hình ảnh đặc trưng của Thành phố biển trong thời gian tới.
 
- Thực hiện có hiệu quả Đề án tổng thể về phát triển đô thị thông minh trên địa bàn thành phố Nha Trang; đẩy mạnh việc xây dựng chính quyền điện tử, chính quyền số, hướng tới xây dựng tỉnh Khánh Hòa là đô thị thông minh, hiện đại. Rà soát, thực hiện phân loại đô thị tỉnh Khánh Hòa đáp ứng quy định về phân loại đô thị và Kế hoạch phân loại đô thị toàn quốc giai đoạn 2021 - 2030; hoàn thành các tiêu chí để tỉnh Khánh Hòa trở thành thành phố trực thuộc Trung ương vào năm 2030. 
Brochure Công ty
Download Brochure mới nhất của Công ty cổ phần Quy hoạch và Thiết kế Xây dựng miền Trung để hiểu rõ hơn về chúng tôi
Đăng ký nhận bản tin
Kết nối với chúng tôi để theo dõi thông tin mới nhất.

Brochure Công ty

Download Brochure mới nhất của Công ty cổ phần Quy hoạch và Thiết kế Xây dựng miền Trung để hiểu rõ hơn về chúng tôi

Tải brochure